Với người Quảng xa quê, “đệ nhất thắng cảnh” núi Thiên Ấn là cái tên trở đi trở lại trong lòng họ mỗi khi nhớ về quê hương.
Từ lâu nay, cùng với sông Trà, núi Thiên Ấn là biểu tượng của vùng đất Quảng Ngãi. Núi Ấn sông Trà Quảng Ngãi thường được nghe nhắc đến nhiều với mỹ danh “Thiên Ấn niêm hà”. Tên gọi này được cụ Nguyễn Cư Trinh (1714 – 1767) đặt lúc làm trấn phủ ở đây, tức ấn trời đóng trên sông.
Núi Thiên Ấn thực chất có độ cao bằng một ngọn đồi khoảng hơn 100 mét so với mực nước biển, nằm giữa đồng bằng huyện Sơn Tịnh ở tả ngạn của sông Trà Khúc, cách thành phố Quảng Ngãi 3,5 km về hướng Bắc. Nhìn từ phía hữu ngạn sông Trà, núi có hình thang cân tựa một chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông. Đỉnh của núi là một vùng đồng bằng khá rộng và bằng phẳng. Du khách có thể đi lên đỉnh núi bằng nhiều cách khác nhau, bằng xe máy hoặc ô tô. Con đường men lên đỉnh núi từ phía nam, đường xoắn ốc, nhưng không gây trở ngại cho các phương tiện di chuyển. Ngoài ra ở đây còn có những bậc thang, đường tắt kè đá dành riêng cho người đi bộ.
Sự tích núi Thiên Ấn
Lịch sử núi Thiên Ấn là huyền thoại gắn liền với vị thiền sư thế danh là Lê Duyệt, pháp danh Minh Hải, tự Phật Bảo, hiệu là Pháp Hóa hòa thượng, sinh năm Giáp Thân (1644) thuộc dòng thiền Lâm Tế. Vị thiền sư này lên núi Thiên Ấn, dựng một thảo am và tu thiền. Theo truyền thuyết kể lại, ngài chỉ ăn lá cây, củ rừng và uống nước trong hang để sống. Nhưng rồi nước trong hang cũng cạn kiệt, vị Hòa thượng quyết tâm đào một cái giếng nước. Với sự giúp đỡ thêm của một vị sư trẻ, hai thầy trò hòa thượng đào giếng trong vòng 3 tháng nhưng không được kết quả gì. Sau khi ngồi thiền 7 ngày 7 đêm không ăn không ngủ, tấm lòng của vị hòa thượng được Bồ Tát rung động, Bồ Tát xuất hiện và mách bảo ông hướng đào thấy nước. Khi tìm thấy nguồn nước, vị tăng sư trẻ cũng biến mất ngay sau đó. Để tỏ lòng thành kính, người ta đặt tên cho cái giếng này là giếng Phật với sự tích nước giếng không bao giờ cạn.
Núi Thiên Ấn có gì?
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để nhìn được toàn cảnh Quảng Ngãi với một khoảng không tươi xanh, hùng vĩ. Quảng Ngãi dường như được thu nhỏ trong tầm mắt khi đứng ở đỉnh núi Thiên Ấn. Về phía tây du khách có thể nhìn thấy bức tường thành hiên ngang sừng sững giữa đất trời của rặng Thạch Bích. Phóng tầm mắt sang hướng đông có thể thấy cửa Đại Cổ Lũy, với Cổ Lũy Cô thôn và mặt biển lung linh óng ánh dưới sự soi chiếu của ánh nắng mặt trời. Trái với màu xanh ngọc bích thì hướng Bắc sẽ là màu xanh của đồng lúa xanh tươi và dãy núi Long Đầu uy nghiêm. Hướng nam là phố phường đô thị Quảng ngãi với núi Thiên Bút bồng bềnh mây trôi. Và gần nhất, không thể không kể đến cầu Trà Khúc bắc ngang sông Trà, luôn là niềm cảm hứng bất tận cho nhiếp ảnh và thi ca.
Phía đông sườn núi Thiên Ấn là chùa Thiên Ấn nổi tiếng nằm giữa bạt ngàn cỏ cây và nằm dưới bóng cây cổ thụ. Chùa được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch vào năm 1716. Năm 1830, ngọn núi được khắc vào dinh tự và năm 1850, vua Tự Đức đưa núi vào hàng danh sơn của đất nước và ghi vào tự điển. Phía Đông chùa là khu “Viên Mộ” thiết diện hình lục giác, gồm nhiều tầng, là nơi an tán các vị sư trụ trì của chùa. Tại chùa còn có giếng Phật và Chuông thần, được thỉnh về vào năm 1845 dưới triều vua Thiệu Trị.
Chếch về phía Tây của núi Thiên Ấn còn có mộ nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947). Du khách đến đây thường men theo con đường mòn đến thắp nén hương cho người chí sĩ cách mạng yêu nước thế kỷ XX đã mất tại Quảng Ngãi và được an táng tại nơi đây.
Núi Thiên Ấn là đệ nhất thắng cảnh và là “núi thiêng” của người Quảng Ngãi. Với những người con Quảng Ngãi, Thiên Ấn Sơn là niềm kiêu hãnh, là điểm tựa tinh thần không có gì có thể thay đổi được. Năm 1990 núi Thiên Ấn – mộ cụ Huỳnh đã được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích và thắng cảnh quốc gia. Hãy tìm đến núi Thiên Ấn nếu có cơ hội, để bạn có thể ngắm nhìn và ôm trọn Quảng Ngãi vào lòng!